Trầm cảm - đừng “chửi lầm còn hơn bỏ sót”

Trầm cảm - đừng “chửi lầm còn hơn bỏ sót”

“Ngày xưa chẳng ai trầm cảm cả, giờ đi đâu cũng thấy” nghe cũng quen tương tự câu “ngày xưa chẳng ai ung thư cả, sao ngày nay lắm thế nhỉ”. Thế giới trong mắt nhiều người dường như đang tiệm cận viễn cảnh u buồn ở tương lai trong các bộ phim khoa học viễn tưởng: sắt thép ở khắp mọi nơi, môi trường ô nhiễm và ai ai cũng hoặc u sầu hoặc vô cảm. Trên thực tế, việc bạn “cảm giác rằng” mọi thứ đang dần tệ đi, đôi khi chỉ do bạn đang bắt đầu mở rộng tầm mắt, còn thế giới vốn vẫn vậy.

Việc mọi người than vãn về hiện trạng “giới trẻ giờ nhìn đâu cũng thấy trầm cảm” chứng tỏ chúng ta đang mở rộng sự quan tâm của mình đến giới trẻ nhiều hơn. Internet bùng nổ đã giúp mọi người có thể cập nhật từng phút từng giây tình hình của nhau, khác với cuộc sống khép kín “đóng cửa bảo nhau” vào khoảng 20 năm trước. 20 năm trước, phần lớn sự quan tâm của chúng ta không thoát khỏi làng xã, hay thậm chí chẳng biết hàng xóm suy nghĩ hay trải qua những gì.

Hôm nay, mọi người có xu hướng chia sẻ suy nghĩ, trải nghiệm cá nhân lên các nền tảng mạng xã hội, và cũng có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến người khác. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ thấy nhiều hơn nỗi buồn của nhau. Và điều này cũng có nghĩa là, bạn sẽ mệt mỏi vì thấy những thứ lặp đi lặp lại. Nỗi buồn là một dạng cảm xúc nhiều người muốn chia sẻ, và trong thời đại chia sẻ, nghiễm nhiên nó trở thành thứ bạn thường xuyên thấy nhất. Bên cạnh việc khoe khoang, tất nhiên.

Các cuộc khảo sát cho thấy tỉ lệ người bị trầm cảm đang tăng lên mỗi năm, nhưng đây đều là các cuộc khảo sát mới. Việc tỉ lệ tăng, cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đang khoanh vùng và tiếp cận được với nhiều người trầm cảm hơn mỗi năm.

Trong 5 năm trở lại đây, hàng loạt các bài báo, nghiên cứu bắt đầu hướng về căn bệnh trầm cảm, vốn vẫn còn mới mẻ. Truyền thông như đặt mũi khoan xuống mỏ dầu vốn đã tồn tại từ rất lâu, hút những mẻ dầu đen xì bắn lên mặt tất cả mọi người.


Mũi khoan này tuy giúp chúng ta nhận ra vấn đề, nhưng cũng dấy lên làn sóng kỳ thị do mọi người bị “ngợp”. Bỗng dưng một ngày bạn nhận ra “nỗi buồn” lại nghiêm trọng như thế. Những câu chuyện xa xôi không thực tế khiến người ta hoài nghi, đùa cợt và kỳ thị nhiều hơn thật sự nghiêm túc nhìn nhận vấn đề.

Trầm cảm bắt đầu được chú ý trong 20 năm trở lại, và vốn là nguyên nhân lớn nhất gây nên khuyết tật và gánh nặng bệnh tật cho xã hội. Nó đã luôn phổ biến hơn mức bạn nghĩ, nhưng đến tận những năm gần đây, chúng ta mới bắt đầu nói về nó.

Để mình nói rõ hơn quan điểm của bài viết này: không hề phủ định áp lực của thế giới hiện đại khiến trầm cảm gia tăng nhiều hơn, vốn đã quá rõ ràng sau các nghiên cứu. Bài viết này muốn tập trung làm rõ việc mọi người cảm thấy “ai cũng trầm cảm”, đơn giản do mọi người đang quan tâm đến nhau nhiều hơn.

Hơn 10 năm trước, trầm cảm đã tồn tại trong xã hội Việt Nam, nhưng dưới nhiều tên gọi khác nhau (và có phần tiêu cực): bị ma nhập, bị lù đù, lập dị… Tất nhiên những hiện tượng phi khoa học trên đã bị phản bác, và dấu hiệu ngày nay được xét lại cho thấy giống với trầm cảm và các bệnh tâm thần khác.

Ngày nay, khi trầm cảm đã được nhìn nhận cởi mở hơn, việc nhiều người tự nhận mình trầm cảm cũng trở nên phổ biến hơn. Và nó tạo nên ác cảm đối với những người bị trầm cảm. Chúng ta quá mệt mỏi với những kẻ tự cho mình là nạn nhân và luôn buồn rầu, nên chẳng hề thích những người luôn rêu rao việc mình bị trầm cảm.

Mặc dù việc có nhiều người “giả vờ” trầm cảm để tỏ ra đặc biệt là có, nhưng không có nghĩa chúng ta nên thoải mái lên án căn bệnh này. Trong khi những lời chê bai dè bỉu về trầm cảm chẳng giúp hạn chế tình trạng “trầm cảm fake”, còn khiến những người gặp vấn đề thật sự không dám lên tiếng. Từ tin tốt là các nhà khoa học và nghiên cứu hướng nhiều hơn đến căn bệnh trầm cảm, truyền thông đã biến nó trở thành vấn nạn xã hội khiến mọi người thêm phần hoài nghi.

Không lậm bàn quá sâu về nguyên nhân gây trầm cảm, vì đây vẫn là vấn đề đang được nghiên cứu. Qua tập đầu tiên của bộ comic “Let’s think outside the box with Monster Box”, mình hi vọng mọi người có cái nhìn dễ chịu hơn với căn bệnh này, ít nhất đó là những gì tốt nhất mà ai cũng có thể làm được.

Nếu như ung thư là cái giá nhân loại phải trả khi dân số ngày càng đông và sống ngày càng lâu, trầm cảm có lẽ là chi phí cho việc sống trong thế giới tiện nghi và hiện đại hơn. Cuộc chiến với ung thư đang ngày càng diễn tiến tốt nhờ vào sự gia tăng nhận thức trong cộng đồng và các công trình khoa học.

Hi vọng mọi người cũng tập được thói quen nói về trầm cảm như một lẽ bình thường và không còn quá nhiều ác cảm chỉ vì đó là “thứ mình chưa hiểu rõ” nữa.

Mọi thắc mắc, thảo luận, phản biện và góp ý đều được chào đón ở phần bình luận.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

POST ADS1

POST ADS 2